Cơn bão Wipha đang di chuyển nhanh về phía Tây với sức mạnh cấp 9, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vào sáng ngày 19/7. Trong 24 giờ qua, bão Wipha đã tăng cường độ lên một cấp. Vị trí hiện tại của bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 1.000 km về phía Đông.

Bão Wipha được xác định là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh với tốc độ trung bình khoảng 20 km/h. Vùng ảnh hưởng của bão bao gồm vùng mưa lớn và gió mạnh, chủ yếu lệch về phía Tây và phía Nam. Đây là cơn bão số 3 trên Biển Đông, hình thành trên vùng biển phía Đông Philippine.
Các trung tâm dự báo bão quốc tế có nhận định thống nhất về quỹ đạo di chuyển của bão Wipha. Tuy nhiên, về cường độ, có sự khác nhau giữa các dự báo. Dự kiến, bão số 3 có thể đạt cường độ mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 14-15 khi ở khu vực phía Đông của bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Về tác động của bão số 3, cơ quan khí tượng dự báo:
– Gió mạnh, sóng lớn trên biển: Trong 24 giờ tới, vùng biển phía Bắc và giữa của Biển Đông có nguy cơ lớn nhất là gió mạnh và sóng lớn. Đặc biệt, vùng biển đặc khu Hoàng Sa sẽ có gió mạnh cấp 10-12, gió giật cấp 15, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-6m.
– Từ ngày 20-21/7, các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và mưa lớn do bão số 3.
– Gió mạnh, mưa, lũ trên đất liền: Phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 rất rộng, bao gồm hầu khắp khu vực phía Đông Bắc Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ. Dự báo, bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa – Hà Tĩnh.
Trước diễn biến phức tạp của bão và nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đưa ra các yêu cầu cấp bách:
– Đối với tuyến biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk: Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm và thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
– Đối với trên đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy và di dời người dân đến nơi an toàn.