Việc vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể trong tư duy và năng lực của đội ngũ cán bộ. Trước đây, cán bộ cấp cơ sở thường chỉ đóng vai trò “người thi hành luật”, tập trung vào việc kiểm soát, giải quyết các thủ tục giấy tờ và quản lý dân số. Tuy nhiên, trong mô hình “chính quyền hành động”, đội ngũ cán bộ cần chuyển đổi từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, từ việc chỉ “làm đúng quy trình” sang “làm đến nơi đến chốn”, giải quyết các vấn đề một cách thấu đáo và tạo sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Sau khi thực hiện phân cấp và phân quyền, số lượng hồ sơ và thủ tục hành chính cần giải quyết tại cấp xã đã tăng lên đột biến. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sa Huỳnh, việc hướng dẫn và xử lý hồ sơ diễn ra khá thông suốt và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của người dân. Ông Nguyễn Văn Huấn, một cư dân của phường Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “So với trước đây, việc giải quyết hồ sơ giờ đây nhanh chóng và gọn gàng hơn. Người dân không cần phải lên thị xã để thực hiện các thủ tục, điều này thật sự tiện lợi. Cán bộ tại đây cũng rất nhạy bén và nhiệt tình.”

Mô hình mới này đòi hỏi đội ngũ cán bộ và công chức phải tập trung cao độ để thực hiện tốt. Ông Nguyễn Viết Thanh, Chủ tịch UBND phường Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cung cấp dịch vụ công cho người dân. Chúng tôi tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý hồ sơ trực tuyến cho người dân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét mở rộng đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ người dân tốt hơn.”

Mục tiêu lâu dài của mô hình này là hình thành thế hệ công dân số thông qua công tác đào tạo và tập huấn cho cả cán bộ, công chức và người dân. Ông Trần Ngọc Sang, Chủ tịch UBND phường Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Phường Đức Phổ chúng tôi trước hết là bố trí cán bộ đảm bảo phù hợp với năng lực chuyên môn. Tiếp theo, chúng tôi tổ chức tập huấn để nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ. Cuối cùng, chúng tôi sắp xếp và hướng dẫn các quy trình xử lý để cán bộ triển khai nhiệm vụ một cách rõ ràng, mạch lạc và công tâm trong việc phục vụ người dân.”

Dù còn nhiều việc cần làm, từ việc rà soát và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp, sắp xếp và kiện toàn đội ngũ cán bộ đến ứng dụng công nghệ và hỗ trợ chuyển đổi số, nhưng với những ưu điểm nổi bật, mô hình mới này đang từng bước hướng tới một nền hành chính phục vụ, gần dân hơn và hiệu quả hơn. Ông Vũ Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy phường Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng: “Qua phương thức lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền, anh em cán bộ đã dần hiểu và nắm được tinh thần phục vụ. Phải nói rằng đến nay, chúng tôi đã bước đầu khắc phục những khó khăn, trong đó các phòng ban chuyên môn đã chú trọng nâng cao chất lượng. Đặc biệt là tinh thần phục vụ của Trung tâm, qua đó đánh giá sự hài lòng của người dân, xem trung tâm như là niềm tin và điểm tựa cho nhân dân.”

“Làm hết việc chứ không làm hết giờ” đã và đang được thực hiện một cách thực chất sau khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Những chuyển biến tích cực ban đầu cho thấy rằng, thành công không thể chỉ đến từ văn bản hay nghị quyết, mà phải đến từ sự đồng thuận trong dân, quyết liệt trong lãnh đạo và tận tâm trong thực thi nhiệm vụ.