Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh chóng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tính đến nay, đã có 248 ổ dịch tại 20/34 tỉnh thành, với hơn 20.280 con lợn bị tiêu hủy. Dịch bệnh đã gây ra thiệt hại kinh tế lớn và đang trở thành mối lo lắng của người dân.
Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng người dân giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh, bán ‘chạy’ lợn ốm, giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, vứt xác lợn bừa bãi… Tình trạng giấu dịch đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Tại Phú Thọ, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh trên địa bàn 14 xã, với tổng số lợn ốm, chết, tiêu hủy là 722 con. Cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển lợn nhiễm dịch đi tiêu thụ. Đáng lo ngại hơn, số lợn nhiễm bệnh không chỉ lưu thông trong nội tỉnh mà còn được đưa sang các địa bàn lân cận để tiêu thụ.

Việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi đòi hỏi nỗ lực đến từ cả hai phía: chính quyền và người dân. Tuy nhiên, thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm thông qua hành vi vứt xác lợn ra môi trường, hoặc vận chuyển lợn nhiễm bệnh mang đi tiêu thụ, đang khiến việc ứng phó dịch bệnh khó càng thêm khó.

Ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi và thú y (Bộ NN-MT), cho biết tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh đang diễn ra phổ biến với các hình thức: bán ‘chạy’, giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, vứt xác lợn bừa bãi, báo cáo không đúng sự thật, thiếu sự chủ động kiểm tra…
Nguyên nhân chính khiến người dân chưa chủ động khai báo khi lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi xuất phát từ tâm lý sợ thiệt hại kinh tế và thiếu niềm tin vào chính sách hỗ trợ. Nghị định 02/2017 trước đây quy định hộ chăn nuôi được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, song quy trình rất phức tạp. Người dân chậm được hưởng hỗ trợ, thậm chí một số địa phương không chi trả hỗ trợ thiệt hại kịp thời.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực, Cục Chăn nuôi và thú y đang cử các đoàn công tác đi khảo sát, nghiên cứu và đề xuất Bộ NN-MT tổ chức mô hình trạm thú y liên xã, nhằm thuận lợi trong giám sát, phòng chống dịch bệnh cũng như kiểm soát giết mổ.
Bộ NN-MT đã trình Chính phủ ký ban hành nghị định mới về chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh, có hiệu lực từ 25.7 tới đây. Trong đó, lợn chết do dịch bệnh sẽ được hưởng mức hỗ trợ 40.000 đồng/kg hơi. Quy trình hỗ trợ đơn giản hơn nhiều, cơ quan thú y chỉ lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh của hộ chăn nuôi đầu tiên, những hộ sau nếu có lợn chết thì không cần xét nghiệm nữa…
Song song với xây dựng chính sách hỗ trợ, việc siết chặt quy trình kiểm soát và nắm tình hình địa bàn khi dịch bệnh bùng phát cũng cần được chú trọng. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng không thể vin vào lý do sáp nhập, địa bàn rộng hoặc thiếu cán bộ thú y mà dẫn tới lơ là, ‘bỏ trận địa’.
Một vấn đề nữa được vị đại biểu lưu ý, đó là xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn nhiễm bệnh nói chung và nhiễm dịch tả lợn châu Phi nói riêng. ‘Cả một xe tải chở đầy lợn nhiễm bệnh như vậy thì không thể nói là vô tình hay không biết. Cần phải nghiêm trị để làm gương, răn đe người khác’, ông Hoà kiến nghị.
Là một chuyên gia pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết các hành vi vận chuyển, giết mổ lợn nhiễm bệnh để tiêu thụ ra thị trường có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 90/2017 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, hoặc Nghị định 115/2018 xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm; trường hợp nghiêm trọng hơn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại điều 317 bộ luật Hình sự.