Điện Biên – Một vùng đất với thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử cách mạng hào hùng, bản sắc văn hóa các dân tộc đặc sắc và khí hậu trong lành, là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc. Với nhiều tiềm năng và lợi thế, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Điện Biên là phên giậu vững chắc của vùng Tây Bắc, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã có nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước. Với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa riêng rất độc đáo, tạo nên bức tranh văn hóa các dân tộc Điện Biên đa dạng và phong phú.

Cách đây 71 năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ‘Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’ góp phần quyết định vào thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Những giá trị to lớn của quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, với 46 điểm di tích thành phần là di tích có giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng, là biểu tượng của truyền thống lịch sử vẻ vang, hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Cùng bản sắc văn hóa của 19 dân tộc và danh lam thắng cảnh hùng vĩ, mang vẻ đẹp riêng đã và đang góp phần hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo, mang đặc trưng của tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước.

Tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt và có khả năng cạnh tranh, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Trong năm 2025, với hàng loạt các sự kiện tiêu biểu được tổ chức như Lễ hội Hoa Ban năm 2025 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ 8; show diễn thực cảnh ‘Huyền tích Uva’; Lễ hội Hoa Anh Đào, Lễ hội Thành Bản Phủ; Liên hoan Nghệ thuật Xòe Thái… với nhiều hoạt động đặc sắc đã thu hút đông đảo du khách.

Để ngành ‘công nghiệp không khói’ ngày càng phát triển, tỉnh Điện Biên đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về du lịch lịch sử – tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe, du lịch mạo hiểm, thể thao khám phá, du lịch làng nghề.

Tỉnh Điện Biên hiện có 22 di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, 2 di sản ‘Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam’ và di sản ‘Nghệ thuật xòe Thái’ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hệ thống di sản văn hóa vật thể của tỉnh Điện Biên gắn với điều kiện địa lý, tự nhiên, với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Mỗi nếp nhà, mỗi phong tục của các dân tộc đã góp phần làm nên một Điện Biên giàu bản sắc.
Để đưa ngành ‘công nghiệp không khói’ ngày càng phát triển gắn với bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa, tỉnh Điện Biên cần xây dựng và định vị thương hiệu du lịch địa phương bằng các sản phẩm du lịch độc đáo, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở Điện Biên. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Với hành trang Chiến thắng Điện Biên Phủ ‘lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu’ và những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc, Điện Biên đang từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước.