Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ghi địa chỉ trên nhãn hàng hóa. Theo Nghị định 43/2017 về ghi nhãn hàng hóa, nội dung trên nhãn bắt buộc phải thể hiện các thông tin như tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, địa chỉ đăng ký của nhiều doanh nghiệp đã thay đổi theo địa giới mới, trong khi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) chưa kịp điều chỉnh.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết ngành đang đứng trước một yêu cầu cấp bách khi sắp tới ngày 1-1-2026, tất cả bao bì thực phẩm lưu thông trên thị trường đều phải thể hiện đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn ghi địa chỉ cũ hay mới trên nhãn hàng hóa, vì chưa được cấp đổi GCNĐKKD sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.
Cùng gặp khó khăn trên, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, cho hay doanh nghiệp không rõ nên tiếp tục sử dụng địa chỉ theo GCNĐKKD hiện hành (chưa kịp điều chỉnh) hay phải áp dụng ngay địa chỉ theo đơn vị hành chính mới.
Để giải quyết vấn đề này, FFA kiến nghị Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM sớm ban hành văn bản hướng dẫn ghi nhãn trong giai đoạn chuyển tiếp, cho phép doanh nghiệp in ấn và sử dụng địa chỉ mới trên bao bì sản phẩm kể từ sau ngày 15-7-2025. Đồng thời, kiến nghị cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng bao bì in theo địa chỉ cũ trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi được cấp GCNĐKKD mới để tránh lãng phí.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng thông tin địa chỉ như đã ghi trên GCNĐKKD hiện hành cho đến khi hoàn tất thủ tục điều chỉnh.
TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, nhận định rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới diễn ra chưa tới một tháng, nếu cùng một lúc hàng triệu người dân và doanh nghiệp phải thực hiện thay đổi giấy tờ thì không cơ quan công quyền nào có thể giải quyết nổi. Vì vậy, cần có ngay văn bản hướng dẫn hay quy định “chuyển tiếp” để doanh nghiệp có thể làm việc với đối tác nước ngoài và là điều rất quan trọng với cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp thêm rất nhiều bất cập liên quan đến việc cập nhật địa chỉ mới trên các chứng nhận quốc tế như USDA, HALAL, FSSC, BRC… Các tổ chức chứng nhận quốc tế này yêu cầu bắt buộc phải có văn bản xác nhận chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để công nhận địa chỉ mới.