Sau vụ rơi máy bay của Air India vào ngày 12/6, khiến 241 người thiệt mạng, câu hỏi về sức khỏe tâm lý của phi công đã trở thành một vấn đề được quan tâm rộng rãi trong ngành hàng không. Cơ trưởng Sumeet Sabharwal, người điều khiển chuyến bay Air India 171, đã từng nghỉ phép vì lý do tang chế và có dấu hiệu trầm cảm. Tuy nhiên, Air India nhấn mạnh rằng chưa thể kết luận gì khi cuộc điều tra còn đang diễn ra.

Trường hợp của Air India 171 không phải là vụ việc duy nhất liên quan đến vấn đề tâm lý của phi công. Ngành hàng không đã chứng kiến nhiều thảm kịch gây rúng động được cho là do khủng hoảng tâm thần của phi công. Vào năm 2015, vụ Germanwings đã khiến 150 người thiệt mạng khi cơ phó Andreas Lubitz cố tình khóa cửa buồng lái và điều khiển máy bay lao vào núi tại Pháp. Điều tra cho thấy Lubitz từng bị trầm cảm nặng và che giấu bệnh.

Ngoài ra, giả thuyết về vụ tự sát của cơ trưởng cũng được đặt ra trong vụ mất tích của chuyến bay MH370 vào năm 2014. Dù chưa có bằng chứng chính thức, cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott vào năm 2020 cho biết các quan chức Malaysia từ sớm đã tin rằng đây là một vụ “giết người do tự sát”.
Các chuyên gia cho rằng ngành hàng không vẫn chưa có biện pháp đầy đủ để xử lý vấn đề tâm lý của phi công. Dữ liệu cho thấy nếu tính riêng các vụ tai nạn do phi công tự sát, có thể là nguyên nhân tử vong lớn thứ hai trong các vụ rơi máy bay phương Tây từ năm 2012.
Phi công bắt buộc phải trải qua kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhưng nhiều người tránh né vì sợ mất giấy phép bay. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy hơn 56% phi công Mỹ từng né tránh việc khám sức khỏe vì lo ngại ảnh hưởng đến công việc. Chuyên gia hàng không Marc Atherton nhận định rằng ngành hàng không toàn cầu có hệ thống quản lý rủi ro rất tốt về kỹ thuật và vận hành, nhưng lại thiếu chiến lược rõ ràng cho sức khỏe tâm thần.
Tổ chức IPAAC, liên minh quốc tế hỗ trợ đồng nghiệp ngành hàng không, cũng cho rằng sức khỏe tinh thần nên được xem là một phần cấu thành an toàn bay. Họ kêu gọi mở rộng các chương trình hỗ trợ ẩn danh giữa các nhân viên cùng ngành để giúp phát hiện và can thiệp sớm.
Sau thảm kịch Germanwings, một số đề xuất cải tiến thiết kế cửa buồng lái nhằm tránh việc một phi công cố ý nhốt người còn lại bên ngoài đã được đưa ra. Tuy nhiên, giới chức cảnh báo rằng thay đổi đó có thể làm tăng nguy cơ bị xâm nhập buồng lái từ bên ngoài.
Năm 2023, Hội Hàng không Hoàng gia Anh (RAeS) công bố báo cáo cảnh báo rằng dù ngành hàng không đã có nỗ lực hỗ trợ nhân viên đối mặt với vấn đề tâm lý, nhưng vẫn thiếu hệ thống quản lý rủi ro tâm thần hiệu quả ngay từ đầu. Chủ tịch IPAAC, Dave Fielding, cho rằng đã có nhiều tiến bộ toàn cầu trong lĩnh vực này, nhưng tất cả vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và cần tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn.