Phát triển đột phá trong lĩnh vực công nghệ đòi hỏi sự hỗ trợ từ thể chế và chính sách rộng mở. Tại Diễn đàn chiến lược vốn hóa doanh nghiệp proptech, các chuyên gia đã chia sẻ quan điểm về việc cần thiết phải có môi trường pháp lý và chính sách thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết quan trọng, Chính phủ đã cụ thể hóa những yêu cầu về hoàn thiện thể chế, đặc biệt là xóa bỏ các rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lớn mạnh. Với lĩnh vực công nghệ, trong năm 2025, các bộ, ngành liên quan phải hoàn thiện việc sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật để hỗ trợ các startup huy động vốn linh hoạt, dễ dàng hơn. Đồng thời, xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với nguồn lực tài chính dài hạn.
Nhiều tổ chức quốc tế như ADB, World Bank đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn trong lĩnh vực công nghệ số và chuyển đổi số, bao gồm lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao và một thị trường nội địa rộng lớn. Tuy nhiên, những hạn chế về thể chế khiến cho số doanh nghiệp công nghệ vươn mình trở thành ‘kỳ lân’ tương đối ít. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới có 4 ‘kỳ lân’ là VNG, VNLIFE, Sky Mavis và MoMo, còn lại đa phần mới chỉ được đánh giá ở mức độ tiềm năng.
Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Meey Group, cho rằng một điểm chung của các startup ‘kỳ lân’ là sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mà các doanh nghiệp này tạo ra thường mang tính đột phá, có khả năng làm thay đổi sâu sắc những lĩnh vực kinh doanh, cũng như có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế – xã hội. Tuy vậy, để thành công không hề dễ dàng khi các startup phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, trong đó bao gồm việc tiếp cận thị trường, cạnh tranh gay gắt, thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Ông Chung cũng cho rằng, việc Quốc hội vừa thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số và ban hành Nghị quyết về xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam đã cho phép xây dựng chính sách thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh Fintech, trong đó bao gồm cả nền tảng giao dịch tiền mã hóa và tài sản được mã hóa, câu chuyện của các doanh nghiệp Startup công nghệ mới được mở hơn.
Đại diện ARC Group đánh giá cao các công ty công nghệ của Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, để duy trì, tạo ra lợi thế cạnh tranh, từ đó vươn tầm đòi hỏi câu chuyện về nguồn vốn rất lớn.
Ông Hiren Krishnani, Giám đốc Quan hệ Nhà đầu tư và IPO, phụ trách hoạt động thị trường vốn khu vực ASEAN của NASDAQ, đánh giá cao những nỗ lực của Meey Group tại ‘Hội thảo chuyên sâu về cơ hội niêm yết quốc tế cùng đại diện NASDAQ’. Ông cho rằng, những đổi mới sáng tạo được thúc đẩy bởi sự tập trung giải quyết các vấn đề hữu hình đang tạo tiền đề cho các startup định hình lại các ngành công nghiệp truyền thống và mở ra giá trị đáng kể cho các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để duy trì tính cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, các công ty địa phương phải biến công nghệ thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, để IPO thành công, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ kỹ lưỡng từ cấu trúc quản trị doanh nghiệp, đến tuân thủ PCAOB, cho đến việc tuân thủ SOX để luôn trong tư thế sẵn sàng cho việc ‘lên sàn’.